Điều tra thủ đoạn cho vay lãi cao xiết đất người đồng bào
Cùng chung tay đưa hiến pháp và pháp luật đến vùng sâu:
“- Việc vay mượn là giao dịch dân sự, trong trường hợp vay mượn người đồng bào cần chú ý hợp đồng rõ ràng, cẩn trọng lãi xuất. Trước khi vay nên đi tư vấn từ người hiểu biết có uy tín, trưởng thôn, công an viên, già làng…
– Khi phát sinh nợ khó trả không nên để bị ép buộc, liên hệ người có uy tín, luật sư hướng dẫn giải quyết tại tòa án.
– Khi cần chuyển nhượng , thế chấp quyền sử dụng đất liên hệ tư pháp xã, văn phòng công chứng làm thủ tục, tuyệt đối không nên làm giấy mua bán tay.
– Trong các giao dịch dân sự không giao cho người lạ giữ những giấy tờ gốc bản chính”
– Ký công chứng chuyển nhượng quyền sử dụng đất để vay tài sản là mất đất. Giới cho vay thường gợi ý là ký ủy quyền đứng tên vay, thực tế chúng sang trang tư. Sau đó vay ngân hàng lấy tiền cho vay lại với lãi cao hoặc bán cho người thứ ba.
– Khi vay tiền nóng, tiền lãi, giới cho vay sẽ cắt trước tiền lời. Số tiền nhận được thực tế rất ít. Tuy nhiên, sau đó người vay vẫn chịu mức lãi cao và tiền gốc ban đầu.Khi phát sinh tranh chấp pháp lý, dựa trên tài liệu chứng cứ, không dựa trên cảm tính, suy nghĩ chủ quan.
– Một chiêu thức của giới cho vay lãi là, ép ký một khoản vay mới gộp cả gốc lẫn lãi, khi người vay chưa chả được. Với cách tính này, khoản nợ nhân lên gấp bội, phát sinh tranh chấp, ra pháp luật rất khó chứng minh khoản nợ ban đầu.
– Theo khảo sát của chúng tôi có đến 70% diện tích đất nông nghiệp của bà con người dân tộc thiểu số ở Bình Phước, Đak Nông đã mất quyền quản lý do mua bán, cầm cố, ký chuyển nhượng vay tài sản… Đây là một điều gây mất cân đối, có nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến ANTT vùng dân tộc thiểu số.
Tận dụng “điều kiện, hoàn cảnh tự nhiên sẵn có” để biến thành lợi ích cho mình là trí tuệ sáng tạo của con người, đó là thiện, là chân chính. “Thừa nước đục thả câu” cũng là một dạng lợi dụng điều kiện sẵn có nhưng ý nghĩa tiêu cực hơn. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, tập quán lạc hậu của người đồng bào thiểu số cho vay lãi cao, gài bẫy xiết đất là một dạng tiêu cực đạo đức.
Hiện tại, Chúng tôi tác nghiệp tuyên truyền hiến pháp, pháp luật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các tỉnh Bình Phước, Đak Nông, Đak Lak… khu vực Tây Nguyên. Trung tâm tiếp nhận, ghi nhận nhiều trường hợp các đối tượng cho vay lãi cao, cầm cố sổ đất người đồng bào, tiếp đến là xiết nhà cửa nương rẫy.
Trình độ dân trí thấp, có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước nên đời sống của phần lớn đồng bào rất khó khăn. Không ít trường hợp lười lao động, đua đòi nên bán đất, điều bông mua xe máy để chơi bời, ăn nhậu. Hết tiền, họ thành người làm thuê trên chính mảnh đất của gia đình. Tình trạng này còn làm mất ổn định an ninh trật tự bởi một số đối tượng do “túng làm liều” rủ nhau đi “mót” điều mà thực ra là trộm cắp điều. Mặt khác, những người mua điều bông hoặc sang nhượng đất lại có rất nhiều mánh khóe để trục lợi. Họ thường lợi dụng sự cả tin của đồng bào để dụ dỗ cầm cố, sang nhượng đất hoặc bán điều bông.
Sau qua trình điều tra, xác minh, tìm hiểu vấn đề, chúng tôi làm rõ phương thức thủ đoạn hoạt động cho vai lãi cao, xiết đất của một số cá nhân đang áp dụng với người dân tộc thiểu số như sau:
– Tìm mồi: Đối tượng nhắm đến các con mồi đang yếu về tài chính, đang cần gấp tiền trả lễ làng, đám tiệc… đơn giản hơn là muốn mua chiếc xe mới cho bằng hàng xóm. Người đồng bào thường có suy nghĩ tiêu xài trước tới mùa trả nợ sau, có tiền là mua sắm… Nắm được tâm lý này, các đối tượng cho vay lãi thường tiếp cận, gợi ý cho vay hoặc cho cò đến giới thiệu vay. Đối tượng cho vay lãi, thường là các cửa hàng kinh doanh tạp hóa hoặc cầm đồ lân cận gần sóc, bản người đồng bào. Nhóm người này, thường bán nhu yếu phẩm cho người đồng bào nên hiểu được gia cảnh từng hộ, cũng như nét văn hóa của họ. Chúng có hẳn người đứng đầu, điều hành, có phân công tay chân đi nắm gia cảnh, đất đai, đây cũng là lực lượng dàn trận để xiết tài sản khi cần thiết.
– Bẫy vay: Thông thường với những lần vay đầu tiên, chủ nợ cho họ vay với số tiền nhỏ và lãi thấp. Họ biết được người đồng bào chỉ đến mùa mới có nguồn thu nên việc vay nóng, ngắn hạn họ không thể có điều kiện trả ngay được. Nếu không, họ cũng buộc phải vay chỗ khác về trả. Thời điểm các chủ nợ tập trung cho đồng bào vay là đầu mùa mưa. Người đồng bào, thu nhập chủ yếu từ nương rẫy phải mất 06 tháng mới có thu cà phê hoặc điều. Vì vậy, mùa mưa rất khó khăn tài chính với họ. Nếu có chuyện hệ trọng, cần tiền chỉ có đường vay lãi nóng. Với mức lãi nóng, một triệu ngày 3 ngàn đến 5 ngàn, chỉ vài chục triệu vay là họ đã đóng lãi chật vật rồi. Khi đến hạn trả biết người đồng bào không thể trả được gốc, nợ lãi thì dồn lại, chủ nợ ra chiêu bẫy. Chủ nợ ép ký giấy vay mới cả gốc và lãi.Hoặc chủ nợ yêu cầu người vay phải vay nóng một người thân quen của chủ nợ để đóng lãi. Trong lần vay thứ 2 này, chủ nợ vẫn tạo điều kiện cho con nợ vay nhiều hơn số tiền lãi một chút. Mục đích sau khi trừ tiền lãi , con nợ còn dư một ít về sẽ tiêu xài. Điều này tạo vui vẻ và làm gia tăng mất khả năng trả nợ. Với áp lực vay dồn nhiều nơi như vậy, người vay chỉ còn nước bán đất, thế chấp vay ngân hàng số tiền lớn, bán điều bông, cao su khoán… cho chủ nợ.
– Xiết: Khi số tiền vay đủ mất khả năng chi trả, chủ nợ cho vay nhiều tiền nhất đến gây áp lực để đòi, ngoài ra chủ nợ này cũng báo cho chủ nợ khác đi đòi. Khi đến nhà con nợ, nhiều người đòi sẽ gây hoang mang, bối rối cho con nợ. Lúc này chủ nợ ra tay nghĩa hiệp, cứu giúp nhận trả những khoản nợ nhỏ, mục đích thâu tóm dồn nợ về một mối. Tất nhiên, với điều kiện con nợ phải đem sổ ra sang tên cho chủ nợ thế chấp, bán điều bông, cà phê non từ vài năm đến chục năm…
Chỉ sau 01 vụ mùa không có nguồn thu, nợ chồng nợ. Họ phải bán luôn đất, hoặc gia tăng thời gian bán bông. Khi sang tên quyền sử dụng đất cho chủ nợ kể như đã mất đất, vì lấy tiền đâu để trả.
Đây là một thực tại đáng buồn, người đồng bào ở vùng sâu trình độ hiểu biết kém hơn, còn tàn dư của nhiều phong tục lạc hậu làm cuộc sống họ trì trệ. Lao động, thu nhập của người đồng bào, phụ thuộc hoàn toàn vào nương rẫy. Việc xiết đất, gài bẫy mua hoa màu non gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của họ. Hậu quả lâu dài, gia tăng đói nghèo, lạc hậu, làm tăng mức chênh lệch giàu nghèo ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh nông thôn.
Thiết nghĩ, Đảng và nhà nước ta hiện nay đặc biệt quan tâm có nhiều chính sách ưu tiên, ổn định cuộc sống cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì thế, chính quyền tại cơ sở cần có phương pháp tiếp cận, truyên truyền phù hợp ngăn ngừa vấn nạn trên.