Tìm hiểu về người yêu cầu giám định chữ ký, chữ viết
Trong thời gian qua trung tâm đã hỗ trợ pháp lý( tham gia tố tụng, thu thập chứng cứ, cung cấp thông tin, nguồn tin về tội phạm…) rất nhiều vụ án dân sự, hành chính, hình sự.Trong đó thu thập chứng cứ, xác thực chữ ký, chữ viết của các đương sự là rất cần thiết và có ảnh hưởng trực tiếp đến tính chất của vụ việc đã và đang được các cơ quan chức năng thụ lý, giải quyết. Qua đó đã làm sáng tỏ sự thật, giải quyết triệt để nhiều tranh chấp, cũng như xử lý được tội phạm.
Theo quy định sẽ có hai hình thức giám định chữ ký, chữ viết: Trưng cầu giám định và yêu cầu giám định( đây đều là hai hình thức thu thập chứng cứ được pháp luật thừa nhận)
Tuy nhiên không phải ai cũng nắm được quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, hồ sơ yêu cầu giám định như thế nào.
Căn cứ Điều 2 Luật giám định tư pháp 2012 có quy định Người yêu cầu giám định tư pháp như sau:
“ Người yêu cầu giám định là người có quyền tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận. Người có quyền tự mình yêu cầu giám định bao gồm đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo”.
Như vậy, để là chủ thể yêu cầu giám định theo luật phải thỏa các điều kiện
– Đã có đơn yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng (cơ quan điều tra, tòa án, viện kiểm sát), người tiến hành tố tụng (kiểm sát viên, điều tra viên, thẩm phán) trưng cầu giám định mà không được chấp nhận;
– Phải là một trong những người sau đây: đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.
Khi không đáp ứng được hai điều kiện ở trên để là người có quyền yêu cầu giám định theo luật, chúng ta muốn giám định chữ viết, chữ ký có được không?
Có thể được, hiện nay với chủ trương xã hội hóa hoạt động giám định ngoài các cơ quan giám định công lập đã có những tổ chức giám định ngoài công lập mở ra. Chủ thể liên quan có thể liên hệ các tổ chức giám định này để yêu cầu được giám định, tuy nhiên, nếu yêu cầu giám định của bạn được tiếp nhận thì kết quả giám định của bạn chỉ mang tính tham khảo, nó không có giá trị pháp lý như là bằng chứng khi bạn có xảy ra tranh chấp hoặc khi kiện ra tòa.
Khi người yêu cầu giám định đã đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận thì sau 07 ngày phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản. Hết thời hạn nói trên hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.
Trước khi chuẩn nộp hồ sơ đề nghị các cơ quan, tổ chức giám định chữ ký, chữ viết mọi người cần chuẩn bị Hồ sơ yêu cầu giám định. Căn cứ: Khoản 1 Điều 26 Luật giám định tư pháp năm 2012 quy định
a) Hồ sơ yêu cầu giám định bao gồm:
– Đơn đề nghị giám định
– Đối tượng giám định
– Các tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có)
– Bản sao giấy tờ chứng minh mình là đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ đến cá nhân, tổ chức thực hiện giám định”.
Lưu ý: Hồ sơ yêu cầu giám định phải đảm bảo đầy đủ các thông tin như: Tên tổ chức hoặc họ, tên người yêu cầu giám định; Nội dung yêu cầu giám định; Tên và đặc điểm của đối tượng giám định; Ngày, tháng, năm yêu cầu giám định và thời hạn trả kết luận giám định; Chữ ký, họ, tên người yêu cầu giám định…
b) Trình tự, thủ tục nộp hồ sơ :
Người yêu cầu giám định gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị giám định trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến các cơ quan có chức năng giám định theo quy định. Kể từ khi nhận được hồ sơ, tùy thuộc vào độ phức tạp của ký tự, văn bản cần giám định kết quả giám định trong vòng 10 – 30 ngày làm việc.