Tìm hiểu về hợp đồng giả cách
Giao dịch dân sự được hiểu là hành vi pháp lý đơn phương hoặc hợp đồng nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên. Trong cuộc sống hàng ngày mỗi người chúng ta bắt gặp cũng như tự mình thực hiện các giao dịch dân sự, để một giao dịch dân sự có hiệu lực cần thỏa mãn các điều kiện nhất định về nội dung và hình thức quy định tại điều 122 Bộ luật dân sự, đồng thời pháp luật cũng quy định các trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu trong đó có giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo.
Điều 129 Bộ luật Dân sự quy định: Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác thì giao dịch giả tạo vô hiệu, còn giao dịch bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này.Trong trường hợp xác lập giao dịch giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch đó vô hiệu.
Đối với giao dịch dân sự này có đặc điểm là các giao dịch bên trong đó hoàn toàn tự nguyện xác lập giao dịch nhưng lại cố ý bày tỏ ý chí không đúng với ý chí đích thực của họ nhưng không có sự thống nhất giữa ý chí và bày tỏ ý chí. Đó là việc c ác bên xác lập một giao dịch để nhằm che dấu một giao dịch khác hoặc thực hiện giao dịch nhằm trốn tránh nghĩa vụ với bên thứ ba thì giao dịch đó vô hiệu. Khi đó với giao dịch nhằm che giấu một giao dịch khác thì giao dịch bị giả tạo sẽ vô hiệu còn giao dịch bị che giấu vẫn có hiệu lực nếu như giao dịch bị che giấu đó vẫn tuân thủ đúng các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Trường hợp giao dịch giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch giả tạo đương nhiên bị vô hiệu.
Nhận diện thường thấy là dạng hợp đồng chuyển nhượng đất, nhà ở “treo” để làm bảo đảm cho hợp đồng vay tài sản, hoặc bảo đảm cho thỏa thuận dân sự nào đó. Biến tướng hơn là chuyển nhượng quyền sử dụng đất để nhờ thế chấp vay tài sản…
TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ ĐANG TRANH KIỆN:
Cặp vợ chồng trẻ, Phạm Tấn Việt và Phan Thị Diên ngụ tại Kp1 Phường Long Phước Thị Xã Phước Long Tỉnh Bình Phước, có một miếng đất diện tích 12644m2 nằm cùng địa chỉ thường trú trên. Năm 2015, A/C có thế chấp giấy CNQSDĐ tại quỹ tín dụng nhân dân Phước Bình số tiền 300 tr. Do không sắp xếp được tiền đáo hạn,nên vào tháng 05/2016 có vay tiền bà Nguyễn Thị N ngụ cùng địa phương để rút sổ ra. Việc vay mượn, có công chứng tại Văn Phòng công chứng Phước Long. Sau khi rút sổ ra, bà N yêu cầu vợ chồng a/c sang tên sổ cho con gái và con rể là Ông Trần Xuân H và bà Nguyễn Thị N
Mục đích của việc chuyển nhượng QSDĐ, là để cho ông bà Trần Xuân H và Nguyễn Thị N( Bên B) vay tiền ngân hàng . Số tiền vay ngân hàng dùng để trả lại cho bà N . Phần lãi thì do vợ chồng a/c phải chịu đóng. Cũng theo thỏa thuận, việc sang tên sổ chỉ là tạm thời để vay ngân hàng trong 05 năm. Trong 05 năm này, vợ chồng a/c vẫn được quản lý và thu hoạch nông sản, sinh sống trên đất. Sau thời hạn 05 năm, vợ chồng a/c có trách nhiệm chuộc sổ thế chấp từ ngân hàng ra, nếu không bên được chuyển nhượng chuộc sổ và toàn quyền sử dụng đất. Việc làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất được thực hiện tại Văn phòng công chứng Phước Long tỉnh Bình Phước vào tháng 7/2016. Sau khi làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất,hai bên có lập thêm một bản thỏa thuận phụ, về việc cam kết theo nội dung trên.
Tuy nhiên, bên B không thực hiện đúng với bản thỏa thuận, Bên B đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho một bên thứ 3. Hậu quả của việc làm trên, bên thứ 3 đang thực hiện một phần việc quản lý tài sản trên đất. Bên thứ 3, đang quản lý thu hoạch nông sản cao su cạo và điều trên đất. Riêng, ba ngôi nhà trên đất, vợ chồng a/c cùng gia đình bố mẹ, gia đình ông bà nội vẫn quản lý và sử dụng. Hiện nay, bên thứ 3 đang cho người vào đe dọa, tháo dỡ nhà, đuổi cả 03 hộ gia đình ra khỏi đất. Khiến hơn 10 nhân khẩu có nguy cơ vào cảnh không nhà cửa.
Căn cứ diễn biến của vụ việc, trung tâm đã hướng dẫn a/c làm thủ tục khởi kiện dân sự ra tòa án nhân dân thị xã Phước Long,” V/v Hủy hợp đồng giả tạo”. Hoàn cảnh các hộ gia đình sống trên đất vô cùng khó khăn, rất mong vụ việc được xét xử công bằng, minh bạch.
Về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu: Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập; các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền… Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.