Tìm hiểu ưu điểm hòa giải thành ngoài tòa án
BLTTDS 2015 ghi nhận Tòa án có thẩm quyền công nhận hòa giải thành ở cấp cơ sở theo thủ tục việc dân sự. Ta cùng tìm hiểu lợi ích cũng như trình tự thực hiện hòa giải thành ngoài tòa án.
Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật tố tụng dân sự 2015
– Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hoà giải thương mại
Thực tiễn cho thấy, hòa giải, đối thoại đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống. Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc mềm dẻo, chia sẻ, cảm thông, hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành; vụ việc không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định của các luật tố tụng; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận. Với Tòa án, đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp hữu hiệu, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề, trong bối cảnh hàng năm các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp.
Theo quy định tại Điều 416 BLTTDS thì: “Kết quả vụ việc ngoài Tòa án được Tòa án xem xét ra quyết định công nhận là kết quả hòa giải thành vụ việc xảy ra giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền có nhiệm vụ hòa giải đã hòa giải thành theo quy định của pháp luật về hòa giải”. Như vậy, tất cả những vụ việc dân sự đã được hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải( như kết quả hòa giải theo quy định của Luật hòa giải cơ sở, Luật thương mại, Luật đất đai, Bộ luật lao động, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…) nếu muốn được Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành thì người yêu cầu làm đơn yêu cầu gửi Tòa án có thẩm quyền xem xét công nhận. Chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành là các bên có quyền và lợi ích liên quan đến kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án.
Tuy nhiên, không phải kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án nào cũng được yêu cầu Tòa án công nhận. BLTTDS năm 2015 quy định chặt chẽ các điều kiện, thủ tục để Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án, việc quy định như vậy sẽ tránh việc công nhận kết quả hòa giải thành có sai sót, ngăn ngừa việc hòa giải không đúng pháp luật.
Điều kiện để Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành
Các vụ việc dân sự đã được hòa giải thành nếu có đủ các điều kiện sau đây đều được Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành: (i) Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; (ii) Là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải. Trong trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý; (iii) Một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận. (iv) Nội dung thỏa thuận hòa giải thành của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba.
Khi đáp ứng được đủ những điều kiện nói trên thì chủ thể có quyền và lợi ích liên quan đến kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án có làm đơn gửi đến Tòa án để yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành. Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày các bên đạt được thỏa thuận hòa giải thành, người yêu cầu công nhận phải gửi đơn đến Tòa án; kèm theo đơn yêu cầu phải có văn bản về kết quả hòa giải thành theo quy định của pháp luật có liên quan.