Tìm hiểu pháp luật quy định về khiếu nại và tố cáo
Tìm hiểu phân biệt “khiếu nại” và “tố cáo” giúp cho tổ chức,cá nhân có tranh chấp (bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp từ hành vi trái luật, quyết định trái luật…) định hướngthực hiện đúng các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Đối với cán bộ tiếp dân sẽ có nhận thức, hướng dẫn cho đương sự kịp thời, giúp cho quá trình xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo đảm báo chính xác, đúng thẩm quyền, trình tự.
Điều 2 Luật khiếu nại quy định: “Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do pháp luật quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”.
Xét về bản chất việc thực hiện quyền khiếu nại thể hiện mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân mà trong đó bên đi khiếu nại luôn luôn là công dân (hoặc cơ quan, tổ chức trong một số trường hợp) chịu sự tác động trực tiếp của quyết định, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước. Còn bên bị khiếu nại là cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước.
Điều 2 Luật tố cáo quy định: “Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức”.
Xét về bản chất việc thực hiện quyền tố cáo thể hiện mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân mà trong đó bên đi tố cáo báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Tố cáo là hành động nhằm bảo vệ và ngăn chặn khả năng vi phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Những việc làm trái pháp luật không phải chỉ của cán bộ, công chức nhà nước mà của cả các cơ quan, tổ chức. Những hành vi trái pháp luật thường bị công dân phát hiện và báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật và xử lý người vi phạm.
Khiếu nại là hoạt động nhằm bảo vệ hoặc khôi phục các quyền hoặc lợi ích của chính chủ thể khiếu nại khi bị vi phạm, do đó nếu các quyền này bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại sẽ dẫn đến khiếu nại.
Chính vì khiếu nại và tố cáo không giống nhau(khác nhau giữa khiếu nại và tố cáo) cho nên Pháp lệnh giải quyết khiếu nại, tố cáo, Luật khiếu nại, tố cáo trước đây và Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo hiện hành đã quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo khác với thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, điểm khác nhau cơ bản giữa tố cáo và khiếu nại là:
Về chủ thể: Chủ thể thực hiện quyền tố cáo theo quy định trong Luật tố cáo chỉ là công dân. Như vậy, khác với khiếu nại, chủ thể khiếu nại là công dân, cơ quan, tổ chức đều có quyền khiếu nại. Việc thực hiện quyền tố cáo chỉ quy định cho đối tượng là cá nhân nhằm cá thể hóa trách nhiệm của người tố cáo, nếu có hành vi cố ý tố cáo sai sự thật thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Về đối tượng: Đối tượng bị khiếu nại gồm quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức, còn đối tượng của tố cáo rộng hơn, bao gồm mọi hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Bao gồm, hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ và hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.
Về mục đích: Cơ bản, mục đích của tố cáo là bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, trong khi đó khiếu nại nhằm bảo vệ hoặc khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp nhằm bảo vệ quyền lợi của chính bản thân người tố cáo.
Chính vì sự khác nhau giữa đơn “khiếu nại” và đơn “tố cáo” như đã nêu trên, theo tôi trong quá trình phân loại, xử lý đơn, cán bộ tiếp nhận đơn cần căn cứ vào nội dung, bản chất sự việc nêu trong đơn để phân biệt các loại đơn, không chỉ căn cứ vào tiêu đề công dân ghi trên đơn để xử lý, trên tiêu đề công dân ghi là tố cáo nhưng nội dung lại là khiếu nại thì không được xử lý theo đơn tố cáo mà xử lý theo đơn khiếu nại hoặc ngược lại; trong trường hợp tiếp nhận đơn trực tiếp tại nơi tiếp công dân thì cán bộ tiếp công dân phải phân tích rõ và yêu cầu công dân viết lại đơn sao cho nội dung phù hợp với tiêu đề để thuận lợi cho việc xử lý, giải quyết đơn.