Tìm hiểu hủy kết hôn trái pháp luật
Tôi tên Lành ở tỉnh Bình Phước. Tôi cần trung tâm tư vấn về quan hệ hôn nhân. Nội dung như sau: Tôi có kết hôn với anh Đinh Văn T ở Quảng Ngãi. Quá trình chung sống tôi phát hiện anh T đã có vợ con chưa ly hôn ở quê. Vợ ngoài quê anh T cũng vào Bình Phước kiếm anh T gây áp lực. Khi đến với tôi anh T nói chưa có gia đình. Việc tôi với anh T đăng ký kết hôn có phạm luật không? Tôi rất hoang mang.
Căn cứ pháp lý:
– Luật hôn nhân và gia đình 2014
– Bộ luật tố tụng dân sự 2015
Theo trường hợp của chị thuộc trường hợp kết hôn trái pháp luật. Cụ thể chúng tôi phân tích như sau:
Kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 và một phần điều 5 của Luật Hôn nhân và gia đình.
Khi tiến hành đăng ký kết hôn cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn sẽ kiểm tra, xác minh về điều kiện hôn và trao giấy đăng ký kết hôn cho người đăng ký kết hôn. Tuy nhiên vì một số nguyên nhân như: vì sự lừa dối của người đăng ký kết hôn, sự thiếu kiểm tra của cơ quan đăng ký kết hôn nên mới xảy ra trường hợp tuy không thỏa mãn điều kiện kết hôn mà vẫn trao giấy đăng ký kết hôn. Trong trường hợp như vậy được xem là kết hôn trái pháp luật.
Khi kết hôn trái pháp luật thì phải tiến hành thủ tục hủy kết hôn trái pháp luật. Vì:
Kết hôn trái pháp luật ảnh hưởng đến lợi ích của người kết hôn, lợi ích của gia đình và xã hội. Vì thế, cần phải có những biện pháp xử lý đối với hành vi vi phạm góp phần đảm bảo các điều kiện kết hôn được tuân thủ một cách chặt chẽ.
Hủy kết hôn trái pháp luật là biện pháp chế tài được áp dụng đối với trường hợp kết hôn trái pháp luật, thể hiện thái độ nhà nước về không thừa nhận giá trị pháp lý của quan hệ hôn nhân.
Theo quy định pháp luật, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền hủy việc kết hôn trái pháp luật. Khi Tòa án ra quyết định hủy kết hôn trái pháp luật thì Giấy chứng nhận kết hôn mà hai bên được cấp trước đó không có giá trị pháp lý.
Các trường hợp hủy kết hôn trái pháp luật
1. Vi phạm điều kiện về tuổi kết hôn (tảo hôn):
Tảo hôn là khi lấy vợ, lấy chồng mà một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật này, cụ thể:
Nữ kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi
Nam kết hôn khi chưa đủ 20 tuổi
2. Tính tự nguyện kết hôn:
Việc kết hôn giữa nam và nữ không dựa trên tinh thần tự nguyện mà do Cưỡng ép kết hôn. Cưỡng ép kết hôn ở đây được hiểu là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải kết hôn trái với ý muốn của họ.
3. Kết hôn khi bị mất năng lực hành vi dân sự:
Theo quy định tại điều 22, bộ luật Dân sự 2015, một người bị coi là mất năng lực hành vi dân sự khi người đó do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
Nếu một trong hai người tham gia kết hôn mà mất năng lực hành vi dân sự thì không được kết hôn.
4. Kết hôn giả tạo:
Theo khoản 11 điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, Kết hôn giả tạo là việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình.
Những trường hợp trên không chỉ coi là kết hôn trái pháp luật, còn liên đới đến các nghĩa vụ pháp lý liên quan khác mà luật cư trú, luật quốc tịch mà Việt Nam điều chỉnh.
5. Lừa dối kết hôn:
Hành động được coi là lừa dối kết hôn bào gồm việc che giấu thân phận thật và những thông tin hôn thú cá nhân của mình. ;
6. Vi phạm chế độ một vợ một chồng:
Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ thì vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng theo quy định pháp luật.
7. Kết hôn cận huyết:
Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
Như vậy, chỉ cần có một dấu hiệu vi phạm nêu trên thì Tòa án đã có căn cứ để xử lý hủy việc kết hôn trái pháp luật.
Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định cụ thể về những người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật. Cụ thể:
“Điều 10. Người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật
1. Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 của Luật này.
2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật này:
a) Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.
3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật”.
Theo đó để đảm bảo quyền lợi, chấp hành pháp luật, chị phải làm đơn yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật ra tòa án nhân dân huyện Bù Đăng.