Tìm hiểu điều cấm thẩm phán tòa án không được làm
Sống làm việc theo hiến pháp và pháp luật
Theo quy định hiện hành tại Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014 thì những việc Thẩm phán không được làm bao gồm như sau:
1. Những việc pháp luật quy định cán bộ, công chức không được làm.
2. Tư vấn cho bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác làm cho việc giải quyết vụ án hoặc những việc khác không đúng quy định của pháp luật.
3. Can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết vụ án hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ án.
4. Đem hồ sơ vụ án hoặc tài liệu trong hồ sơ vụ án ra khỏi cơ quan, nếu không vì nhiệm vụ được giao hoặc không được sự đồng ý của người có thẩm quyền.
5. Tiếp bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong vụ án mà mình có thẩm quyền giải quyết không đúng nơi quy định.
Ngoài ra có dự thảo Bộ quy tắc đạo đức dành riêng cho thẩm phán. Dự thảo sẽ lấy ý kiến đóng góp của các cấp, ngành ở Trung ương, địa phương và nhân dân trong cả nước. Dự thảo đã nêu rõ những việc thẩm phán được làm và không được làm:
TRONG THỰC THI NHIỆM VỤ
Thẩm phán khi giải quyết vụ việc không được có bất cứ phát biểu hay bình luận nào tại phiên tòa, phiên họp, trước công chúng hoặc truyền thông làm ảnh hưởng tới việc xét xử một cách bình đẳng.
Thẩm phán phải từ chối không tham gia tố tụng khi nhận thấy có khả năng mình sẽ giải quyết một cách không vô tư, khách quan theo đánh giá chủ quan hoặc theo quan sát của một người bình thường. Các trường hợp đó có thể bao gồm, nhưng không giới hạn trong các trường hợp sau: Thẩm phán đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự; Thẩm phán đã tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch trong cùng vụ việc đó; Có căn cứ rõ ràng cho rằng thẩm phán có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ; Những trường hợp khác khi thẩm phán tự nhận thấy mình có thể đưa ra quyết định không vô tư, khách quan khi giải quyết vụ việc.
Thẩm phán không được sử dụng địa vị thẩm phán của mình để thúc đẩy lợi ích của mình hoặc của người khác. Thẩm phán không được và không cho phép các thành viên trong gia đình, cán bộ, công chức tòa án dưới quyền quản lý của mình yêu cầu hoặc chấp nhận bất cứ món quà, khoản thừa kế, khoản vay hay quyền lợi nào khác liên quan đến bất cứ điều gì mà thẩm phán đã làm hoặc sẽ làm hoặc lờ đi không làm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của thẩm phán. Thẩm phán chỉ có thể nhận món quà lưu niệm, giải thưởng hay khoản tiền phù hợp với sự kiện được tổ chức, với điều kiện món quà, giải thưởng hay khoản tiền đó không bị coi là thể hiện sự thiếu vô tư, khách quan hoặc là một hình thức có thể ảnh hưởng tới quá trình thực hiện nhiệm vụ của thẩm phán.
Trong quá trình giải quyết vụ việc, thẩm phán không được và không cho phép các hành vi thể hiện sự phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, địa vị xã hội; không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế của cá nhân, pháp nhân. Trong mọi hoạt động của mình, thẩm phán không được thể hiện sự thiếu đúng mực và phải luôn hành xử lịch thiệp, thận trọng, phù hợp với phẩm cách của chức danh tư pháp mà mình đảm nhận.
TRONG ỨNG XỬ CỦA THẨM PHÁN
Cũng theo dự thảo này, thẩm phán không được làm những việc sau: Những điều đảng viên không được làm; Những việc pháp luật quy định cán bộ, công chức không được làm; Tư vấn cho bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác làm cho việc giải quyết vụ việc hoặc những việc khác không đúng quy định của pháp luật; Can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết vụ án hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ án; Đem hồ sơ vụ án hoặc tài liệu trong hồ sơ vụ án ra khỏi cơ quan, nếu không vì nhiệm vụ được giao hoặc không được sự đồng ý của người có thẩm quyền; Tiếp bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong vụ án mà mình có thẩm quyền giải quyết không đúng nơi quy định; Sách nhiễu, trì hoãn, chậm trễ, gây khó khăn, phiền hà cho người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng; Làm sai lệch hồ sơ, kết quả giải quyết vụ việc; ra quyết định, bản án trái pháp luật; truy ép, gợi ý cho người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng trình bày sự việc theo ý muốn chủ quan của mình hoặc của người khác; Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật công tác của mình và của cán bộ, công chức khác thuộc tòa án và các ngành khác; Tiết lộ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư của bị can, bị cáo, đương sự và những người tham gia tố tụng khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Đối với thẩm phán là cán bộ lãnh đạo, quản lý: Không lạm quyền, vượt quyền; Đùn đẩy trách nhiệm cho người khác; Trù dập cán bộ, công chức; Vi phạm quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị. Đối với thẩm phán là công chức tòa án: Không lợi dụng việc góp ý, phê bình làm tổn hại đến danh dự, uy tín của cán bộ lãnh đạo, quản lý và đồng nghiệp; Vi phạm quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị. Không can thiệp trái pháp luật vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi cư trú; không tham gia, xúi giục, kích động, bao che các hành vi trái pháp luật.
Không được để cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con, anh, chị, em ruột lợi dụng danh nghĩa của bản thân để vụ lợi cho gia đình và bản thân; Không tổ chức cưới hỏi, ma chay, mừng thọ, sinh nhật, tân gia và các việc khác xa hoa, lãng phí hoặc để vụ lợi; Không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi khi tham gia các hoạt động xã hội; Không được tiếp tay hoặc bao che cho hành vi vi phạm pháp luật.