Phân biệt tạm trú và lưu trú theo luật cư trú 2021
Hiện nay, theo quy định tại khoản 1 điều 27 luật cư trú 2020 hiệu lực từ ngày 01/07/2021: công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.
Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú. (Khoản 9 Điều 3 Luật cư trú 2020).
Như vậy, đối chiếu với quy định trên:
– Người đến sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn khác nơi đăng ký thường trú dưới 30 ngày thì không phải đăng ký tạm trú mà phải đăng ký lưu trú.
Điều này thể hiện tại khoản 6 Điều 2 Luật Cư trú mới, lưu trú là việc công dân ở lại một địa điểm không phải nơi thường trú hoặc nơi tạm trú trong thời gian ít hơn 30 ngày.
Thời hạn tạm trú theo đề nghị của công dân nhưng tối đa không quá 24 tháng. Còn thời hạn lưu trú liên tục tối đa không quá 30 ngày.
– Công dân không được đăng ký tạm trú mới tại chỗ ở quy định tại Điều 23
Hồ sơ, thủ tục đăng ký tạm trú điều 28 luật cư trú: bao gồm:
– Tờ khai thay đổi thông tin cư trú; đối với người đăng ký tạm trú là người chưa thành niên thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;
– Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.
Người đăng ký tạm trú nộp hồ sơ đăng ký tạm trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình dự kiến tạm trú.
Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký tạm trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi tạm trú mới, thời hạn tạm trú của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký tạm trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Hồ sơ, thủ tục đăng ký lưu trú:
Theo khoản 3 Điều 15 Thông tư 55/2021/BCA khi có người đến lưu trú, thành viên hộ gia đình, người đại diện cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú có trách nhiệm đề nghị người đến lưu trú xuất trình một trong các giấy tờ pháp lý thể hiện thông tin về số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật và thực hiện việc thông báo lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú.
Sau đó, thông báo việc lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú. Nội dung thông báo về lưu trú bao gồm họ và tên, số định đanh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, số hộ chiếu của người lưu trú; lý do lưu trú; thời gian lưu trú; địa chỉ lưu trú.
Trường hợp người đến lưu trú tại chỗ ở của cá nhân, hộ gia đình mà cá nhân, thành viên hộ gia đình không có mặt tại chỗ ở đó thì người đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú.
Việc thông báo lưu trú được thực hiện theo một trong các hình thức sau đây:
– Trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú hoặc địa điểm tiếp nhận thông báo lưu trú do cơ quan đăng ký cư trú quy định;
– Thông qua số điện thoại hoặc hộp thư điện tử do cơ quan đăng ký cư trú thông báo hoặc niêm yết;
– Thông qua trang thông tin điện tử của cơ quan đăng ký cư trú hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú;
– Thông qua ứng dụng trên thiết bị điện tử.
Như vậy khi đến sinh sống làm việc liên tục trên 30 ngày ngoài đơn vị hành chính thì mới phải đăng ký tạm trú.