Nghĩa vụ cấp dưỡng khi ly hôn
CÂU HỎI: Tôi ly hôn với chồng tôi đã được một năm. Khi ly hôn tòa án tuyên tôi có quyền nuôi con còn chồng tôi có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con tôi hàng tháng là 3 triệu đồng. Con tôi 7 tuổi. Tuy nhiên sau đó, anh ta chưa hề gửi tiền cấp dưỡng hàng tháng cho con. Tôi đã có lần nhắc nhở nhưng anh ta nói tôi nuôi thì tôi phải chịu trách nhiệm. Xin hỏi luật sư tôi phải làm như nào để được cấp dưỡng cho con tôi. Nếu anh ta nhất định không chịu cấp dưỡng thì anh ta có phải chịu phạt hay đi tù không?
TRẢ LỜI:
- Căn cứ pháp lý
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
- Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017
- Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã
- Giải quyết vấn đề
Dựa trên những thông tin chị cung cấp, DT LAW xin được đưa ra ý kiến tư vấn như sau:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Theo đó cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Mức và phương thức cấp dưỡng sẽ vợ, chồng bạn thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ giải quyết.
Có thể ngừng cấp dưỡng (theo thỏa thuận hoặc do Tòa án quyết định) khi người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Nếu như chồng cũ của chị không có các lí do nêu trên hay thuộc các trường hợp chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng (có quy định tại Điều 118 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đó là: Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình; Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi; Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng; Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết) thì chị có thể yêu cầu Tòa án buộc anh ta phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng (theo Khoản 2 Điều 107 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014).
Tùy theo mức độ nghiệm trọng, việc không thực hiện nghĩa vụ có thể bị xử phạt hành chính hoặc nghiêm trọng hơn sẽ bị xử phạt hình sự.
Về xử phạt hành chính
Căn cứ khoản 3 Điều 52 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã:
“Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- a) Không thực hiện công việc phải làm, không chấm dứt thực hiện công việc không được làm theo bản án, quyết định;
- b) Trì hoãn thực hiện nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp có điều kiện thi hành án;
- c) Không thực hiện đúng cam kết đã thỏa thuận theo quyết định công nhận sự thỏa thuận của Tòa án nhân dân;
- d) Cung cấp chứng cứ giả cho cơ quan Thi hành án dân sự.”
Như vậy việc chồng cũ của chị không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có thể sẽ bị phạt hành chính từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Về xử phạt hình sự
Căn cứ Khoản 37 Điều 1 Luật sửa đổi Luật Hình sự năm 2017: “Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”
Nếu việc không cấp dưỡng làm cho con chị bị nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc dù đã bị xử phạt hành chính mà chồng cũ của chị vẫn vi phạm thì có thể bị xử phạt hình sự: phạt cảnh cáo, phạt cải tải không giam giữ 02 năm hoặc nặng hơn là phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Trên đây là ý kiến tư vấn của DT LAW, cần trao đổi thêm xin chị vui lòng liên lạc qua số điện thoại 19006182.