Hướng dẫn thu thập, sử dụng chứng cứ trong tố tụng dân sự
Trong giải quyết các tranh chấp dân sự, các quan hệ pháp luật khác. Đương sự, chủ thể tham gia tranh chấp buộc phải dùng chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là đúng. Chứng cứ góp phần quyết định tới việc Tòa án chấp nhận hay bác bỏ yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện.
Nhưng luật có quy định rõ, để tài liệu trở thành chứng cứ cần hội đủ các yếu tố: Tính khách quan, liên quan, hợp pháp. Vì vậy thu thập chứng cứ đôi khi rất khó khăn, phụ thuộc vào năng lực hiểu biết và nghiệp vụ riêng.
Điều 93 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 quy định: “Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp”.
Có thể nói, chứng cứ là công cụ để các đương sự cũng như Tòa án sử dụng khi muốn chứng minh vấn đề nào đó trong vụ việc tranh chấp dân sự. Từ những chứng cứ đã xác định được, Tòa án sẽ căn cứ yêu cầu khởi kiện cụ thể của đương sự và quy định của pháp luật để đưa ra phán quyết phù hợp. Chính bởi tầm quan trọng như vậy, để có được lợi thế nhất định trong vụ việc tranh chấp các đương sự cần chú trọng tới hoạt động tạo lập, thu thập chứng cứ trước khi tiến hành thủ tục khởi kiện vụ án dân sự hoặc đưa ra bất kỳ yêu cầu nào. Việc thu thập chứng cứ càng được tiến hành cẩn trọng thì yêu cầu khởi kiện càng có cơ sở vững chắc và khả năng được Tòa án chấp nhận càng cao.
Trong thực tế, việc thu thập chứng cứ của đương sự cần thu thập theo các hướng sau:
Xác định chứng cứ cần phải thu thập:
Xuất phát từ sự đa dạng và phức tạp của các tranh chấp dân sự nên vấn đề cần chứng minh trong mỗi vụ tranh chấp là khác nhau. Việc xác định vấn đề nào cần chứng minh và các chứng cứ liên quan cần thiết phải thu thập sẽ phải căn cứ từ quy định pháp luật tương ứng điều chỉnh vụ việc đó, điều này đòi hỏi đương sự phải có trình độ hiểu biết pháp luật nhất định mới có thể làm tốt được. Ví dụ: trong các tranh chấp hợp đồng, cần kiểm tra giao dịch đó có giá trị pháp lý hay bị vô hiệu theo quy định của pháp luật. Để xét tính hiệu lực của giao dịch thì phải căn cứ vào quy định của pháp luật tương ứng và cần xác minh một số điều kiện khác (vấn đề về ủy quyền …vv).
Việc thực hiện nghĩa vụ thu thập chứng cứ:
Trong tố tụng dân sự, việc thu thập và cung cấp chứng cứ cho Tòa án là nghĩa vụ chính của đương sự, do đương sự tự mình thực hiện. Tòa án chỉ hỗ trợ đương sự thu thập chứng trong trường hợp đương sự đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập tài liệu, chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được. Tòa án cũng không mặc nhiên hỗ trợ đương sự mà đương sự phải có đơn ghi rõ vấn đề cần chứng minh; tài liệu, chứng cứ cần thu thập; lý do mình không tự thu thập được; họ, tên, địa chỉ của cá nhân, tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ cần thu thập. Nếu các chứng cứ quan trọng của vụ tranh chấp đang được lưu giữ tại cơ quan, tổ chức hoặc do các đương sự khác nắm giữ thì việc thu thập của đương sự sẽ gặp khó khăn, vướng mắc. Ví dụ: trong vụ án ly hôn có tranh chấp về tài sản nhưng giấy tờ liên quan đến tài sản chỉ đứng tên một bên và do bên đó giữ toàn bộ, bên có yêu cầu chia tài sản không giữ bất kỳ tài liệu nào có thể chứng minh việc có tài sản đó để cung cấp cho Tòa án.
Việc sử dụng, đánh giá chứng cứ:
Trong trường hợp đã thu thập được chứng cứ thì việc sử dụng các chứng cứ đó một cách có hiệu quả, có lợi nhất cho mình cũng đòi hỏi đương sự phải có những kỹ năng nhất định về phân tích, lập luận vấn đề pháp lý. Bởi từ chứng cứ đến chứng minh trước Tòa án, đương sự còn phải trải qua quá trình lập luận, đánh giá chứng cứ thông qua việc tham gia tố tụng, tranh tụng tại phiên tòa.
Một số lưu ý khi mới tham gia tố tụng : Bạn phải được biết tư cách tham gia tố tụng của mình trong vụ án. Được giải thích về quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia tố tụng. Được thông báo các giai đoạn của quá trình tham gia tố tụng. Được yêu cầu thay đổi thẩm phán nếu có căn cứ cho rằng thẩm phán làm trái luật, không khách quan, có dấu hiệu tiêu cực…Được tự mình hoặc nhờ người khác đứng ra bảo vệ quyền lợi( ủy quyền, hợp đồng pháp lý). Hãy nhớ quyền lợi và nghĩa vụ của các đương sự là ngang nhau. Khi giao nhận văn bản tài liệu luôn có biên nhận đầy đủ chữ ký hai bên. Nghĩa vụ chứng minh thuộc về chính người yêu cầu, tòa chỉ làm thay khi đương sự không tự làm được( phải có văn bản yêu cầu). Cẩn trọng đương sự tẩu tán tài sản trong quá trình tranh chấp( nên làm ngăn chặn khẩn cấp). Nếu vụ án ngâm quá lâu nên nhắc khéo thẩm phán, đến lần 3 thì khiếu nại. Thẩm phán cũng là con người như mọi người, chịu sự chi phối, tác động của tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Do đó, nắm được tâm lý, tình cảm, sở trường, sở đoản của thẩm phán sẽ giúp ích cho đương sự tạo thiện cảm khi tham gia tố tụng. Một điều các bạn nên nhớ: Đừng tiếc thời gian, hãy đi tư vấn luật sư, người hiểu biết làm nền tảng tự tin, sẽ có ích cho bạn.