Chứng cứ trong án hình sự
Không chỉ cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng mới được quyền thu thập chứng cứ mà người bị buộc tội, người bào chữa và một số người tham gia tố tụng khác cũng có quyền thu thập hoặc cung cấp chứng cứ (quy định tại BLTTHS 2015).
Tội phạm là nguy hiểm cho xã hội, khi tội phạm xảy ra đến thời điểm phát hiện thì đã là sự kiện trong quá khứ do đó cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng muốn chứng minh tội phạm chỉ có thể dựa vào cách thức duy nhất là thu thập chứng cứ, vậy chứng cứ là gì, gồm những nguồn nào, trình tự, thủ tục thu thập, đánh giá, sử dụng ra sao, quan hệ giữa các chứng cứ, giá trị chứng minh của chứng cứ… đó là tất cả các vấn đề đòi hỏi cơ quan lập pháp, cơ quan tiến hành tố tụng phải giải quyết.
Do đó chứng cứ chính là phương tiện của việc chứng minh, xác định các sự kiện, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án hình sự. Rõ ràng vai trò, giá trị của chứng cứ là rất quan trọng, là cơ sở, phương tiện duy nhất để chứng minh trong bất cứ một vụ án hình sự nào xảy ra.
Luật tố tụng hình sự Việt Nam quy định trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng nên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.(BLTTHS năm 2015)có hiệu lực toàn diện từ 1/1/2018, trong đó có những quy định mới hết sức tiến bộ nhằm bảo đảm phát hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không đẻ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Bài viết xin được giới thiệu một số điểm mới về chứng cứ trong tố tụng hình sự.
1. Khái niệm chứng cứ
Điều 86 BLTTHS 2015 quy định “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”. Như vậy có thể thấy các thuộc tính của chứng cứ bao gồm: tính khách quan (có thật), hợp pháp và liên quan đến vụ án đều vẫn là những nội hàm chính trong khái niệm chứng cứ như trong BLTTHS 2003. Tuy nhiên trong khái niệm chứng cứ có nội dung mới quan trọng, có ý nghĩa rất lớn trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự, đó chính là “chủ thể” sử dụng chứng cứ. Tại Điều 64 BLTTHS 2003 quy định rõ chủ thể sử dụng chứng cứ là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án (các cơ quan tiến hành tố tụng), như vậy BLTTHS 2015 đã không quy định “chủ thể” sử dụng chứng cứ trong khái niệm về chứng cứ, đó chính là quy định “mở”, tiến bộ trong tố tụng hình sự, tạo điều kiện cho những người tham gia tố tụng, đặc biệt là người bị buộc tội, người bào chữa, bị hại… có thể tham gia vào quá trình chứng minh, giải quyết vụ án hình sự. Điều này được quy định rõ hơn trong việc quy định quyền và nghĩa vụ của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố; người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt; người bị tạm giữ; bị can; bị cáo; nguyên đơn dân sự; bị đơn dân sự; người bào chữa đều có quyền “Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá”. Đồng thời bổ sung thêm quyền và nghĩa vụ cho người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, đương sự có quyền “kiểm tra, đánh giá chứng cứ”.
2. Nguồn chứng cứ
Điều 87. Nguồn chứng cứ
1. Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn:
a) Vật chứng;
b) Lời khai, lời trình bày;
c) Dữ liệu điện tử;
d) Kết luận giám định, định giá tài sản;
đ) Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;
e) Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác;
g) Các tài liệu, đồ vật khác.
Như vậy so với BLTTHS 2003 thì BLTTHS 2015 ngoài việc quy định cụ thể, rõ ràng hơn một số nguồn chứng cứ như lời trình bày, biên bản trong hoạt động khởi tố, thi hành án, đã bổ sung thêm các nguồn chứng cứ là: Dữ liệu điện tử; định giá tài sản; kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế. Trên thực tiễn thì nó đã được sử dụng là nguồn chứng cứ để giải quyết vụ án và được quy định ở các văn bản pháp luật khác. Bài viết phân tích một số nội dung 02 nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử; kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế.
2.1. Dữ liệu điện tử
Dữ liệu điện tử được quy định tại Điều 99 BLTTHS. Trong thời kỳ thiết bị số, số hóa trên hầu hết tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội hiện nay và xu hướng phát triển trong tương lai có thể nói “Dữ liệu điện tử” là nguồn đa dạng, bao trùm trong các giao dịch thương mại, dịch vụ của đời sống xã hội. BLTTHS năm 2003 không quy định “Dữ liệu điện tử” là nguồn chứng cứ, trong khi đó BLHS năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 lại có nhiều quy định về các tội danh mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông như tội truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet (Điều 226a); tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 226b) (nhóm tội phạm này thường gọi “Tội phạm công nghệ cao”) nên thực tiễn đã gây khó khăn trong quá trình thu thập, đánh giá chứng cứ để giải quyết vụ việc. Để giải quyết khó khăn, vướng mắc đó ngày 10/9/2012 liên ngành trung ương gồm Bộ công an – Bộ quốc phòng – Bộ tư pháp – Bộ thông tin và truyền thông – VKSTC -TANDTC đã thống nhất ban hành Thông tư liên tịch số 10/2012/TTLT hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, trong đó quy định về trình tự, thủ tục thu thập dữ liện điện tử, chuyển hóa dữ liệu điện tử thành chứng cứ…đồng thời khẳng định “Dữ liệu điện tử có thể coi là chứng cứ”.
Trước xu thế phát triển của các thiết bị số hóa thì mặt trái của nó chính là các đối tượng phạm tội lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội của mình, đặc biệt trong các tội phạm về kinh tế, ngân hàng, tham nhũng… việc “bó hẹp” trong quy định tại Thông tư liên tịch 10/2012, trong nhóm tội phạm về công nghệ thông tin và truyền thông đã không đáp ứng được về cơ sở pháp lý để các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới. Do đó việc BLTTHS 2015 quy định “Dữ liệu điện tử” là nguồn chứng cứ, đồng thời quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thu thập, đánh giá, chuyển hóa để sử dụng là chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án hình sự có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự tiến bộ cao trong trong tiến trình xây dựng luật tố tụng của Nhà nước ta. Nhưng cũng yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải có kiến thức, nắm vững quy trình thu thập, bảo quản, đánh giá, sử dụng nguồn chứng cứ dữ liệu điện tử, để làm sáng tỏ sự thật của vụ án.
Việc thu thập phương tiện điện tử và dữ liệu chứng cứ được quy định cụ thể tại Điều 107 BLTTHS.
3. Thu thập chứng cứ
Điều 88 BLTTHS năm 2015 đã quy định đầy đủ, cụ thể về trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ để giải quyết vụ việc hình sự.So với BLTTHS 2003, cần đặc biệt lưu ý quy định mới tại khoản 5 Điều 88: Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát theo quy định của Bộ luật này thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án. Trường hợp do trở ngại khách quan thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày. Trong thời hạn 03 ngày, Viện kiểm sát đóng dấu bút lục và sao lưu biên bản, tài liệu lưu hồ sơ kiểm sát và bàn giao nguyên trạng tài liệu, biên bản đó cho Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Việc giao, nhận tài liệu, biên bản được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Kiểm sát viên tăng cường hiệu quả công tác kiểm sát hoạt động điều tra, lập hồ sơ vụ án của Điều tra viên, đồng thời là căn cứ để Kiểm sát viên thực hiện tốt hơn quyền công tố của mình trong quá trình giải quyết vụ việc hình sự. Do đó yêu cầu Kiểm sát viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát tiến độ điều tra, xây dựng yêu cầu điều tra chính xác, kịp thời và thực hiện nghiêm túc các quy định của BLTTHS nêu trên.
4. Đánh giá chứng cứ
Để chứng minh trong một vụ án hình sự không chỉ đơn thuần là thu thập đầy đủ chứng cứ, tài liệu theo công thức số học, liệt kê mà đỏi hỏi thông qua hoạt động của tri thức, tư duy khách quan, phân tích tổng hợp, logic biện chứng. Vì vậy, sau khi thu thập các chứng cứ thì cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra, đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Như vậy, hoạt động kiểm tra, đánh giá chứng cứ chính là hoạt động của tư duy biện chứng đối với các sự việc khách quan. BLTTHS năm 2015 quy định việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ tại Điều 108.
Việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ xoay quanh ba nội hàm chính của khái niệm chứng cứ đó là tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp. Trong đó, tính khách quan là những gì có thật và phản ánh trung thực những tình tiết của vụ án hình sự đã xảy ra; tính liên quan là có mối quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với vụ án; tính hợp pháp là tất cả những gì có thật phải được cung cấp, thu thập, bảo quản theo một trình tự, thủ tục do luật định. Đây là trình tự nhằm bảo đảm giá trị chứng minh của chứng cứ, nếu thiếu một trong ba yếu tố đó thì chứng cứ đó đều không có giá trị chứng minh. Tại khoản 2 Điều 87 BLTTHS năm 2015 đã quy định rõ “Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự”. Vì vậy, đòi hỏi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải kiểm tra đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện mọi chứng cứ đã thu thập được về vụ án.
5. Sử dụng chứng cứ
Trong quá trình chứng minh, trong các giai đoạn tố tụng, hoạt động sử dụng chứng cứ gắn liên với hoạt động đánh giá chứng cứ, đánh giá chứng cứ và sử dụng chứng cứ có mối quan hệ chặt chẽ không tách rời. Đánh giá chứng cứ là tiền đề, là điều kiện cho sử dụng chứng cứ. Sử dụng chứng cứ là sự kiểm nghiệm, xác định lại kết quả của hoạt động đánh giá chứng cứ. Đánh giá chứng cứ không đúng, tất yếu dẫn đến kết quả sai lầm, không đúng đắn của việc sử dụng. Ngược lại, việc sử dụng chứng cứ sai mục đích, không phù hợp giữa nội dung, giá trị chứng minh của chứng cứ với đối tượng cần phải chứng minh là làm hạn chế kết quả của hoạt động đánh giá chứng cứ.
Để đảm bảo việc sử dụng chứng cứ trong quá trình chứng minh vụ án hình sự một cách hiệu quả, cần nắm rõ được mục đích của việc sử dụng chứng cứ đó là:
Trong các giai đoạn tố tụng hình sự, chứng cứ đã thu thập được trọng vụ án được sử dụng để phát hiện, thu thập chứng cứ mới. Việc hoàn thiện nhận thức chân lý khách quan được hình thành dần trong các giai đoạn tố tụng, qua việc nhận thức chứng cứ của vụ án. Tuy nhiên, trong các giai đoạn tố tụng không phải tất cả các vụ án đều đã có đầy đủ các chứng cứ, nhất là trong giai đoạn điều tra vụ án. Vì vậy, việc phát hiện và thu thập thêm chứng cứ mới là hoạt động được tiến hành liên tục cho đến khi các cơ quan tiến hành tố tụng có đủ chứng cứ chứng minh sự thật vụ án. Một trong những cách thức được sử dụng để thu thập thêm những chứng cứ mới là sử dụng chứng cứ đã có, đã thu thập được từ trước.
Chứng cứ đã thu thập được trong vụ án dùng để nghiên cứu, kiểm tra và đánh giá tài liệu, chứng cứ mới và ngược lại. Trong cùng một vụ án, các chứng cứ có thể được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, song chúng đều có quan hệ với nhau bởi những mối liên hệ logic, biện chứng. Để các định giá trị từng chứng cứ không thể không xem xét đến toàn bộ hệ thống chứng cứ, không thể không so sánh giá trị giữa các chứng cứ với nhau và tất yếu không thể không kiểm tra giá trị của chúng. Việc kiểm tra được tiến hành theo chiều thuận, từ chứng cứ đã có kiểm tra chứng cứ mới, hoặc ngược lại từ chứng cứ mới thu thập dùng để kiểm tra chứng cứ đã thu thập từ trước.