Cách đòi lại tài sản khi chuyển nhầm tài khoản ngân hàng
Tôi tên Lý Hoàng Cầm ở tỉnh Bình Phước, do sơ suất nên tôi có chuyển nhầm tiền vào tài khoản của người khác số tiền 106.000.000 đ. Khi phát hiện tôi đã làm thông báo gửi ngân hàng tra soát, sao kê …sau đó tôi đã xuống tận tỉnh Sóc Trăng để liên hệ người nhận chuyển nhầm nhưng họ không trả lại, tôi có nhờ công an địa phương tại Sóc Trăng nhưng họ nói phải có công văn của công an Bù Đăng nơi tôi sống chuyển xuống vì theo thẩm quyền, tôi phải làm sao?
Trả lời: Trường hợp của bạn xảy ra rất nhiều trong xã hội ngày nay, do sự phát triển của công nghệ banking, cùng với lỗi sơ ý của người sử dụng dẫn đến chuyển nhầm tài khoản người khác trong giao dịch. Đại đa số người nhận chuyển nhầm đều có ý thức liên hệ hoàn trả lại chủ sở hữu, một số ít vì lòng tham, nhận thức pháp luật kém đã cố tình chiếm hữu sử dụng số tiền không phải của mình. Đây là việc làm vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Khi một người vô tình nhận tiền từ người khác chuyển nhầm vào tài khoản của mình thì người đó phải có trách nhiệm trả lại cho người đã chuyển nhầm.
Tại khoản 1 Điều 579 Bộ luật Dân sự quy định về nghĩa vụ hoàn trả như sau: Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu của tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tại điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021 quy định phạt tiền 3-5 triệu đồng đối với hành vi chiếm giữ tài sản của người khác.
Về trách nhiệm hình sự thì khoản 1 Điều 176 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10 triệu đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tiền 10-50 triệu đồng, phạt đến hai năm tù.
Như vậy, để giải quyết vấn đề của mình bạn có 3 phương án để làm.
Thứ nhất bạn liên hệ thỏa thuận tình cảm với người nhận chuyển nhầm để nhận lại tài sản
Thứ hai, bạn khởi kiện vụ án dân sự ra tòa án để đòi lại tài sản bị chiếm hữu. Thẩm quyền tòa án giải quyết là tòa án cấp huyện nơi bị đơn cư trú.
Thứ ba, bạn tố giác tội phạm ra cơ quan cảnh sát điều tra nơi xảy ra vụ việc về hành vi ” chiếm giữ trái phép tài sản “
Bạn đã thương lượng nhiều lần thì chọn hai cách còn lại. Vấn đề của bạn tòa án sẽ thụ lý giải quyết vì có hồ sơ tài liệu căn cứ rõ ràng. Bạn làm đơn khởi kiện theo mẫu có thể nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện. Khi đóng án phí đầy đủ(khoảng 5%tài sản bạn đòi) tòa sẽ ra thông báo thụ lý giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự.
Vấn đề tố giác tội phạm:
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 163 BLTTHS quy định về thẩm quyền điều tra vụ án hình sự như sau:
“4. Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt…”
Như vậy, theo quy định trên thì bạn có thể gửi đơn tố giác đến cơ quan điều tra nơi tội phạm xảy ra, tức là nơi mà người đó đã thực hiện hành vi chiếm hữu tài sản trái pháp luật , nếu không xác định được rõ nơi xảy ra tội phạm thì bạn có thể tố giác ở cơ quan điều tra nơi người đó cư trú hoặc nơi bạn cư trú.”
“ Lời nhắn nhủ: Người nhận chuyển tiền nhầm từ người lạ thì trước tiên phải thông báo cho ngân hàng biết. Sau đó cùng ngân hàng thực hiện các bước đến tìm chủ sở hữu hợp pháp hoàn trả. Nếu vô tình nhận tiền chuyển nhầm từ một tài khoản lạ thì phải tìm cách hoàn trả chứ không nên tự ý sử dụng để tránh vi phạm pháp luật”