Chia tài sản khi ly hôn
CÂU HỎI: A (chồng) và B (vợ) đã chung sống 2 năm. Trước khi kết hôn, A được cha mẹ ruột tặng riêng một căn nhà và đứng tên của A. Sau khi lấy nhau, căn nhà được 2 vợ chồng xây thêm tầng với chi phí 300 triệu đồng bằng số tiền mà hai vợ chồng tích góp khi làm ăn. Hiện tại do mẫu thuẫn mà hai vợ chồng ly hôn. A có thể đòi lấy căn nhà vì cho rằng do được bố mẹ tặng A cho hay không? Theo pháp luật thì được xử lý như thế nào?
TRẢ LỜI:
- Cơ sở pháp lý:
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
- Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình ngày 06/01/2016
- Giải quyết vấn đề
Những ý kiến tư vấn dưới đây được giả định rằng thông tin khách hàng cung cấp là chính xác và có căn cứ.
Nếu giữa 2 người không có thỏa thuận về tài sản vợ chồng trước khi kết hôn, việc phân chia tài sản của 2 vợ chồng sẽ theo luật định.
Khoản 1 Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: “Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn”. Trước khi kết hôn, A được bố mẹ tặng cho căn nhà và đứng tên A, vậy căn nhà (không tính phần sửa chữa, nâng cấp) là tài sản riêng của A.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: “Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này”. Nếu sau khi kết hôn hai vợ chồng không làm thủ tục nhập căn nhà vào tài sản chung thì căn nhà (phần chưa sửa chữa) vẫn là tài sản riêng của A trong thời kì hôn nhân.
Tuy nhiên, sau khi lấy nhau, 2 vợ chồng có góp số tiền 300 triệu đồng để xây thêm tầng, đây là số tiền hai vợ chồng tích góp được khi làm ăn, căn cứ theo Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân…” thì đây là tài sản chung của hai người. Khi ly hôn, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố khác quy định tại khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP Hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân và gia đình.
Như vậy, nếu tranh chấp này đươc đưa ra Tòa án giải quyết, thì A có thể có căn cứ để đòi được căn nhà, thông thường Tòa án sẽ đưa ra phán quyết tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc về người đó, còn tài sản chung thì chia đôi, do đó A có thể giữ quyền sở hữu căn nhà nhưng phải thanh toán cho B phần giá trị tài sản tương ứng với khoản tiền mà B đã góp để xây thêm tầng của căn nhà (số tiền 300 triệu đồng phải được quy ra giá trị hiện tại).
Trên đây là ý kiến tư vấn của dieutra.org cần trao đổi thêm xin bạn vui lòng liên lạc trực tiếp đến số điện thoại 0979.63.64.65-0976437437