Tìm hiểu về bãi nại khi bị hại rút yêu cầu khởi tố
Thời đại công nghệ, các trang mạng xã hội phát triển được mọi thành phần sử dụng. Từ đây những xích mích, hận thù cá nhân; ghen tuông nam nữ; câu like, câu view… mà có rất nhiều người sẵn sàng phát tán, lan truyền những hình ảnh, video riêng tư của người khác lên mạng xã hội. Các tranh chấp trong đời sống hàng ngày luôn diễn ra với nhiều hệ lụy. Ví dụ:
– lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, cạo đầu, cắt tóc, lột quần áo, quay clip…. Đưa lên trang mạng internet hình ảnh riêng tư mang tính bêu rếu làm nhục người khác hoặc có hành động ghen tuông, lột hết quần áo của người khác rồi quay video phát tán để làm nhục họ…
– Các tranh chấp phát sinh trong đời sống hàng ngày như đất đai, vay mượn tài sản, hùn vốn đầu tư kinh doanh… nếu không được giải quyết kịp thời, tích tụ thù tức thiếu kiềm chế sẽ dẫn đến hành vi đánh nhau gây thương tích cho người khác…
Trường hợp 1: Tìm hiểu Bãi nại đối với hành vi “Làm nhục người khác” bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại điểm e, Khoản 2 Điều 155 BLHS.
Hành vi cụ thể: Quay video nhạy cảm của bị hại, sau đó phát tán video bằng mạng xã hội, gửi cho bạn bè, người thân để bêu rếu
Trường hợp 2: Bãi nại đối với hành vi:” Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại điểm a khoản 1 điều 134 BLHS
Hành vi cụ thể: Do mâu thuẫn tranh chấp đất đai A dùng cành cà phê đánh vào đầu B gây thương tích qua giám định tỉ lệ thương tật 10%
Nay Bị hại muốn rút đơn yêu cầu, vụ án có được đình chỉ hay không?
Trả lời: 10 trường hợp khởi tố vụ án hình sự khi có yêu cầu của bị hại
Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết, cụ thể:
Trường hợp 1: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Khoản 1 Điều 134).
Trường hợp 2: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Khoản 1 Điều 135).
Trường hợp 3: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (Khoản 1 Điều 136).
Trường hợp 4: Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Khoản 1 Điều 138).
Trường hợp 5: Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Khoản 1 Điều 139).
Trường hợp 6: Tội hiếp dâm (Khoản 1 Điều 141).
Trường hợp 7: Tội cưỡng dâm (Khoản 1 Điều 143).
Trường hợp 8: Tội làm nhục người khác (Khoản 1 Điều 155).
Trường hợp 9: Tội vu khống (Khoản 1 Điều 156).
Trường hợp 10: Tội xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp (Khoản 1 Điều 226).
Hậu quả pháp lý khi bị hại rút đơn yêu cầu:
Khoản 2, 3 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định hậu quả pháp lý khi người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố, cụ thể như sau:
– Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ;
– Trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì cơ quan tố tụng vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
– Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức
Như vậy: Đối với trường hợp 1 hành vi của bị can đã xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của con người, cần phải được pháp luật nghiêm khắc xử lý. Nên việc bãi nại không làm ảnh hưởng đến quá trình điều tra, truy tố, xét xử, không đình chỉ vụ án. Việc bãi nại khắc phục hậu quả chỉ xem như một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Đối với trường hợp 2: Được khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại. Do có đơn bãi nại tự nguyện từ bị hại ( Được hiểu là bị can đã xin lỗi, bồi thường, ăn năn hối cải, …) Vụ án sẽ được đình chỉ.