Tìm hiểu tội phạm chức vụ, quyền hạn gồm những ai?
Theo dân gian chúng ta hiểu người có chức vụ, quyền hạn là: Quan chức
Trong bộ luật hình sự 2015 có khái niệm về tội phạm chức vụ và thế nào là người có chức vụ, quyền hạn.
“Điều 352. Khái niệm tội phạm về chức vụ
1. Các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.
2. Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ”.
Bình luận:
– Theo khái niệm tội phạm về chức vụ trong BLHS 2015 đã bao hàm cả tội phạm về chức vụ trong khu vực tư. Theo đó, chủ thể của tội phạm không chỉ là người có chức vụ khi thực hiện công vụ (cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước) mà còn bao gồm người có chức vụ trong khi thực hiện nhiệm vụ tại các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước.
– Thực tiễn bắt đầu xuất hiện và với mức độ ảnh hưởng ngày càng lớn của hành vi tham nhũng trong khu vực tư, đòi hỏi phải có các biện pháp mạnh hơn để xử lý vấn đề này của thực tiễn. Đồng thời, để bảo đảm cùng hành vi như nhau (xảy ra ở khu vực công hay khu vực tư) cùng được định tội danh thống nhất, không phân biệt.
– Nhiều văn bản của Đảng liên quan đến chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng đặt vấn đề nghiên cứu và từng bước quy định hành vi tham nhũng trong khu vực tư.
Theo Luật Phòng chống tham nhũng 2018, tiếp tục có khái niệm, chủ thể được cụ thể hóa : Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, bao gồm:
– Cán bộ, công chức, viên chức;
– Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;
– Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
– Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức;
– Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.
Ý nghĩa của việc nghiên cứu nhóm tội phạm này: Góp phần nhận diện tội phạm cụ thể trong nhóm tội liên quan đến chức vụ, quyền hạn. Đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng. Mọi người dân tích cực tham gia giám sát hoạt động của cán bộ, Đảng viên. Đưa vào tầm ngắm những chủ thể có dấu hiệu tiêu cực. Đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng không có vùng cấm…