Thu thập chứng cứ khi bị xúc phạm danh dự nhân phẩm
Quyền của mỗi người đối với danh dự, nhân phẩm của mình được pháp luật bảo vệ và được thể hiện trong nhiều quy định pháp luật khác nhau, từ đạo luật cao nhất là hiến pháp cho đến các quy định pháp luật chuyên ngành.
Căn cứ Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Căn cứ Ðiều 37 Bộ luật Dân sự năm 2005 có quy định: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.”
Về lĩnh vực chuyên ngành, chúng ta có Nghị định số 72/2013 (về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng). Theo Điều 5 nghị định này thì một trong những hành vi bị cấm trong việc sử dụng Internet và thông tin trên mạng là “Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”.
Gần nhất là luật an ninh mạng 2019, đều có quy định chế tài xử lý với các quy định chặt chẽ.
Tùy từng trường hợp mà người vi phạm có thể phải chịu các chế tài theo luật định.
Trách nhiệm pháp lý
Theo Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 có quy định tội làm nhục người khác:
“1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.”
Hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác biểu hiện rất đa dạng, có thể là những lời nói có tính chất thóa mạ, xỉ nhục, miệt thị hạ thấp danh dự, xúc phạm đến nhân thân như chửi bới, nhạo báng, …hoặc có thể là những cử chỉ, hành vi có tính chất bỉ ổi, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác.
Về chế tài xử phạt vi phạm hành chính:
Chúng ta có một số nghị định quy định xử phạt các hành vi liên quan đến xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác:
Ví dụ: Trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện có Nghị định số 174/2013 của Chính phủ quy định xử phạt một số hành vi liên quan đến việc xâm phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Cụ thể như hành vi “Tiết lộ bí mật đời tư hoặc bí mật khác khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức có liên quan trừ trường hợp pháp luật quy định” (điểm b khoản 2 Điều 64) bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng; hành vi “Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân” (điểm a khoản 3 Điều 64) bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng; hành vi “Chủ động cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân” (điểm a khoản 4 Điều 65) bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng…
Lưu ý, các mức phạt tiền nêu trên là mức phạt tiền được áp dụng đối với tổ chức, nếu cá nhân thực hiện cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng – Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC AN NINH, TRẬT TỰ, AN TOÀN XÃ HỘI; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình
“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; ”
Cần làm gì để được bảo vệ quyền lợi?
Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như dùng lời nói, dùng chữ viết, đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng, lên mạng Internet, diễn ra ở nơi công cộng, trong gia đình…, với cá nhân nói chung hay với những đối tượng đặc thù như người thi hành công vụ, thành viên trong gia đình…
Từ những căn cứ trên, để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm chúng ta phải biết cách thu thập chứng cứ. Vì” Nói có sách mách có chứng” hay câu cửa miệng trong lĩnh vực điều tra, kiểm sát, xét xử là” Trọng chứng hơn trọng cung”.
Do đó, khi xác định có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, cá nhân cho rằng mình bị xúc phạm cần thu thập chứng cứ, lưu giữ hình ảnh, tài liệu, nhờ người làm chứng về việc mình bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thậm chí có thể đề nghị thừa phát lại lập vi bằng về việc mình bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm và trình báo cho các cơ quan có thẩm quyền như công an, cán bộ phường/xã, cán bộ cơ quan quản lý về bưu chính, viễn thông…
Các cơ quan này sẽ xem xét, lập biên bản vi phạm hành chính để ra quyết định xử phạt hoặc chuyển hồ sơ cho các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự. Người bị xúc phạm cũng có thể nộp đơn cho TAND theo thủ tục tố tụng dân sự để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Trường hợp bị xử phạt hành chính về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác mà người bị xử phạt không đồng tình với quyết định xử phạt, cho rằng việc xử phạt đó là không đúng thì cũng có thể gửi đơn khiếu nại đến người đã ban hành quyết định xử phạt hoặc thủ trưởng trực tiếp của người đó. Hoặc người đó có thể nộp đơn khởi kiện vụ án hành chính ra TAND cấp huyện hoặc cấp tỉnh theo thủ tục tố tụng hành chính.