Tìm hiểu tội tham ô tài sản BLHS 2015
Theo quy định tại Điều 353 BLHS năm 2015 thì Tội tham ô tài sản là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này (từ Điều 353 đến Điều 359), chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, do người từ đủ 16 tuổi trở lên và không trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện (Điều 12, Điều 21 BLHS năm 2015) với lỗi cố ý trực tiếp (khoản 1 Điều 10 BLHS năm 2015).
Chủ thể của tội phạm theo quy định tại khoản 2 Điều 352 BLHS năm 2015 đã được cụ thể hóa tại khoản 6 Điều 353 về tội tham ô tài sản như sau: “Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này”;
Trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay việc mở rộng chủ thể tội tham ô là rất cần thiết được dư luận xã hội hết sức quan tâm, đồng tình. Đồng thời việc mở rộng chủ thể này phù hợp với Điều 1 về phạm vi điều chỉnh của Luật phòng chống tham nhũng (Luật số 10/10/VBHN-VPQH ngày 12/12/2012).
Chủ thể của tội tham ô chiếm đoạt tài sản là người có chức vụ, quyền hạn, đồng thời phải là người có trách nhiệm quản lý đối với tài sản chiếm đoạt. Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.
– Khách thể: Hành vi phạm tội đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức kinh tế của Nhà nước và xâm phạm quyền sở hữu tài sản của cơ quan tổ chức
– Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý.
– Mặt khách quan: Hành vi chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý bằng thủ đoạn lợi dụng chức vụ quyền hạn. Hành vi phạm tội phải là hành vi chiếm đoạt. Đối tượng của hành vi chiếm đoạt là tài sản mà người phạm tội được giao quản lý. Người phạm tội lợi dụng trách nhiệm quản lý tài sản được giao, chiếm đoạt tài sản mà mình đang quản lý. Thủ đoạn lợi dụng trách nhiệm quản lý tài sản này có thể khác nhau nhưng đều sử dụng chức vụ quyền hạn như điều kiện, phương tiện để thực hiện hành vi tham ô tài sản, biến tài sản được giao quản lý thành tài sản của riêng mình.
– Người tham ô tài sản thuộc 01 trong 03 trường hợp sau đây mới phạm tội tham ô tài sản:
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên; lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi tham ô tài sản mà còn vi phạm.
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị kết án về một trong các tội: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lạm quyền trong khi thi hành công vụ.
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
– Hình phạt áp dụng đối với người phạm tội:
Đối với trường hợp thuộc cấu thành cơ bản: Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Đối với trường hợp thuộc cấu thành tăng nặng: Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm (Khoản 2) hoặc phạt tù từ 15 năm đến 20 năm (Khoản 3) hoặc phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình (Khoản 4).
Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.