05 phương pháp đòi nợ hiệu quả đúng luật
Trong hoạt động điều tra phòng chống tội phạm, điều tra dân sự, truy tìm, tư vấn luật… thì yêu cầu về tư vấn đòi nợ và vụ án đòi nợ là “nan giải’ nhất. Nan giải không phải bởi vì khó về mặt pháp lý, mà là khó về hiệu quả, tức là làm sao để đòi được nợ, để “con nợ” phải trả tiền một cách hợp pháp mới gọi là thành công.
Qua thực tiễn công tác chúng tôi đúc kết kinh nghiệm như sau:
Phương pháp 1: Tác động và sử dụng các yếu tố có liên quan trực tiếp đến “con nợ”
“Con nợ” – Người vay tiền của bạn có thể là cá nhân hoặc tổ chức, công ty, doanh nghiệp… và ai cũng vậy, sẽ luôn có những mối quan hệ trong gia đình, xã hội. Vì vậy, trước tiên bạn hãy tác động và nhờ đến những người, những mối quan hệ mà bạn cho rằng có thể có uy tín hoặc ảnh hưởng đến Người vay (gia đình, người thân, bạn bè thân…). Tóm lại là tác động đến những người mà nếu họ nói thì Người vay có thể sẽ nghe hoặc cũng có tác động nhất định đến Người vay.
Nếu như người vay tiền có một chỗ làm việc ổn định, bạn có thể tác động đến cấp trên của người vay. Chẳng hạn làm đơn, văn bản thông báo về sự việc đến Công ty, doanh nghiệp mà họ đang làm việc. Nếu như người vay là Công ty, Doanh nghiệp… bạn có thể tác động, thông báo đến đối tác làm ăn, nhân viên công ty…
Lưu ý: Chỉ áp dụng cách trên khi tất cả các cách tác động tình cảm cá nhân khác đều không có tác dụng và “Con nợ” có tiền nhưng cố tình không trả. Bởi vì cách làm này có thể là “con dao 2 lưỡi” dẫn đến hậu quả là “đòi nợ dây chuyền” nếu như Người vay tiền của bạn cũng vay nhiều người khác nữa. Khi việc đòi nợ dây chuyền xảy ra thì dễ dẫn đến việc “Con nợ” đáng ra có thể xoay xở để trả tiền cho bạn từ từ thì lại bị phá sản, hết tiền thật.
Không nên dồn ép “con nợ” đến đường cùng, mục đích của bạn là lấy lại tiền, vì vậy bạn hãy để cho họ còn cơ hội để trả nợ cho bạn. Nếu như bạn dồn họ đến đường cùng, bạn cũng sẽ có phần chịu thiệt.
Tuyệt đối không được dùng vũ lực, không đe dọa, không động chân tay, không mắng chửi, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm… của Người vay tiền. Nếu bạn dùng các phương pháp này, rất có thể tiền thì chưa lấy được mà “Chủ nợ” thì đã bị khởi tố hình sự.
Phương pháp 2: Sử dụng dịch vụ của các công ty thu nợ
Bạn đã nghe đến dịch vụ của các công ty thu nợ chưa? Bạn đừng nghĩ rằng đó là một dịch vụ bất hợp pháp hay có vẻ “xã hội đen” nhé. Dịch vụ thu nợ là một dịch vụ hoàn toàn hợp pháp và được nhà nước cho phép thành lập doanh nghiệp, công ty cung cấp dịch vụ này. Bạn có thể hiểu đơn giản là dịch vụ đòi nợ thuê cũng được.
Bạn có thể tham khảo Văn bản pháp luật quy định về dịch vụ đòi nợ để biết được rằng đó là một dịch vụ được pháp luật Việt Nam công nhận:
-Nghị định 104/2007/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ (có hiệu lực từ 28/7/2007)
-Thông tư 110 /2007/TT-BTC của Bộ tài chính Hướng dẫn thực hiện một số nội dung Nghị định số 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ (có hiệu lực từ 10/10/2007)
Những người làm dịch vụ thu nợ có những cách riêng, có thể coi là bí quyết và bí mật nghề nghiệp của họ, tuy có một số ít lần làm việc với họ nhưng tôi cũng không thể biết được. Chỉ có một điều chắc chắn rằng các phương pháp đòi nợ đó đều phải hợp pháp.
Khi sử dụng dịch vụ đòi nợ, thông thường mức phí dịch vụ sẽ tính theo % số tiền đòi được. Bạn nhớ tham khảo các mức phí và đặc biệt đọc kỹ Hợp đồng dịch vụ để cân nhắc và quyết định.
Phương pháp 3: Khởi kiện
Thông thường, các khách hàng là “chủ nợ” khi đã nhờ đến Luật sư thì phương án đầu tiên trong suy nghĩ của họ chính là khởi kiện ra Tòa. Và họ cũng nghĩ rằng đây là phương án hiệu quả nhất. Tuy nhiên thực tế chưa chắc đã là như vậy.
Khi bạn đòi nợ bằng phương án khởi kiện ra Tòa thì mục đích cuối cùng của bạn cũng phải là đòi được tiền chứ không chỉ là thắng kiện. Vì vậy bạn thử hình dung quy trình thủ tục khởi kiện đòi nợ cũng giống như quy trình thủ tục tố tụng của các vụ án dân sự khác. Mà một vụ án dân sự thông thường từ khi bạn nộp đơn khởi kiện và được thụ lý, cho đến khi có bản án sơ thẩm thời gian trung bình khoảng từ 04 đến 06 tháng . Nếu như có kháng cáo và xử phúc thẩm thì thời gian sẽ kéo dài thêm khoảng 02 đến 04 tháng nữa, thậm chí dài hơn.
Đối với vụ kiện đòi nợ, nếu như người vay tiền của bạn cũng vay nhiều người khác nữa, thì bạn nên khởi kiện một mình và “lặng lẽ”, không nên rủ nhiều người cùng kiện, ngoài việc sẽ phải chia số tiền trả nợ còn dễ dẫn đến tình trạng dồn “con nợ” đến đường cùng, không còn tiền để trả bạn hoặc phải bỏ trốn.
Việc kiện đòi nợ để thắng kiện thực ra rất dễ, bởi vì mọi việc đã khá rõ ràng và “con nợ” cũng thừa nhận là có nợ bạn mà chưa trả. Bạn có Hợp đồng, văn bản, giấy tờ để chứng minh khoản nợ, thậm chí chỉ cần có Giấy viết tay giữa các bên về việc vay nợ thì cũng có thể thắng kiện được.
Lưu ý: Bạn sẽ là người phải nộp trước % án phí khi khởi kiện, sau khi thắng kiện bạn mới được bên thua kiện hoàn trả. Án phí vụ kiện đòi nợ sẽ được tính theo giá ngạch dựa trên tổng số tiền mà bạn đòi.
Tuy nhiên, khi thắng kiện và có bản án rồi, không có nghĩa là bạn sẽ lấy được tiền ngay bởi vì khả năng cao là “con nợ” không tự nguyện trả tiền cho bạn theo Bản án, quyết định của Tòa án. Trường hợp này, bạn sẽ phải làm thêm 1 thủ tục nữa đó là yêu cầu Cơ quan thi hành án. Vậy là bạn sẽ phải đợi thêm một thời gian khoảng 01 đến 02 tháng nếu như người vay tiền của bạn còn tài sản đủ điều kiện thi hành án. Nếu như Cơ quan thi hành án xác minh họ chưa đủ điều kiện thi hành án (không còn tài sản hoặc tài sản đã thế chấp hết chẳng hạn) thì bạn sẽ còn phải đợi lâu hơn nữa.
Chính vì những lý do trên mà tôi đã để phương án khởi kiện xếp sau phương án Sử dụng dịch vụ thu nợ
Nếu phát hiện “con nợ” có dấu hiệu tẩu tán tài sản, khi khởi kiện bạn hãy tùy tình hình thực tế để yêu cầu Tòa án áp dụng một hoặc đồng thời các biện pháp sau
Kê biên tài sản đang tranh chấp.Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước.Phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ.Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ.
Phương pháp 4. Tố cáo ra Cơ quan Công an
Nếu bạn nhận thấy người vay tiền có dấu hiệu lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc có thể họ đã bỏ trốn thì bạn có thể làm đơn tố cáo ra cơ quan công an.
Đó là 4 phương án bạn có thể áp dụng để đòi nợ một các hợp pháp. Mỗi phương án sẽ có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Tôi liệt kê theo thứ tự như trên không phải là khuyên bạn áp dụng lần lượt hoặc theo thứ tự đó, cũng không phải cứ áp dụng là chắc 100% đòi được nợ.
Việc đòi nợ như thế nào cũng có thể coi là một… “nghệ thuật” và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Để việc đòi nợ có hiệu quả, bạn nên có những đánh giá riêng hoặc yêu cầu chuyên gia tư vấn để có thể lựa chọn áp dụng riêng từng phương án hoặc đồng thời các phương án đòi nợ.
Phương pháp 5: Liên hệ chúng tôi
Một số các yếu tố bạn nên đánh giá trước khi lựa chọn phương án đó là:
Tính cách, nhân thân của người vay tiềnCác mối quan hệ xã hội, quan hệ làm ăn, quan hệ gia đình của người vay tiềnMức độ coi trọng uy tín và lòng tự trọng của người vay tiềnTình trạng thu nhập và tài sản
Sở dĩ phải đánh giá các yếu tố trên bởi vì có trường hợp bạn chỉ cần nhờ sự tác động của gia đình, người thân của “con nợ” là đã có hiệu quả, có trường hợp bạn nộp đơn lên cơ quan, công ty, đơn vị nơi họ công tác là họ đã phải trả tiền cho bạn, có trường hợp bạn phải nộp đơn khởi kiện ra Tòa án thì “con nợ” đã phải trả do sợ ảnh hưởng đến uy tín hoặc đối tác làm ăn khác nhưng cũng có trường hợp bạn làm đủ mọi cách mà “con nợ” vẫn chẳng trả cho bạn đồng nào.
Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất trong quá trình đi đòi nợ mà bạn phải đánh giá đầu tiên, đó là: Xác minh người vay tiền có còn tiền hay tài sản để trả nợ cho bạn hay không! Nói cho cùng thì đã đòi nợ thì phải đòi người có tài sản, còn bạn mà đòi một người chẳng còn gì thì có nhờ ai, áp dụng cách nào đi chăng nữa thì cũng chịu không thể đòi được, vì có còn gì đâu mà đòi.
Nói vậy nhưng bạn cũng cần lưu ý 2 điều sau:
Con nợ khi đã không muốn trả thì giấu tài sản và tẩu tán tài sản rất giỏi.Không có ai lại hết tiền hay không có tài sản gì mãi được, vậy nên kiên trì hay bỏ cuộc là tùy thuộc vào bạn.
Đó là một số phương án bạn có thể tham khảo để áp dụng vào việc đòi nợ cho hiệu quả và hợp pháp. Đòi nợ là một quá trình dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn và có cả sự may mắn nữa. Tất nhiên chẳng ai lại muốn có một ngày mình lại phải đi đòi nợ, vì vậy tốt nhất là bạn hãy cố gắng ngăn chặn, hạn chế tối đa việc này bắt đầu từ khi bạn… cho vay. Bạn có thể tham khảo một số lời khuyên sau:
Tìm hiểu kỹ các thông tin về người vay: nhân thân, tính cách, địa chỉ, điện thoại, các mối quan hệ gia đình, bạn bè, xã hội…Tìm hiểu kỹ về tài sản của người vay: tài sản riêng hay tài sản vợ chồng, tài sản đã thế chấp hay chưa…Đừng vội đánh giá uy tín và tài sản qua vẻ bề ngoài, cách ăn nói khéo léo, cẩn thận với lời hứa hẹn lãi suất cao vì mức lãi suất tối đa được quy định tại Khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015:
Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Cuối cùng, một điều quan trọng đó là bạn cần phải lập một hợp đồng vay chặt chẽ, chi tiết và cụ thể.
Tất nhiên việc bạn càng tìm hiểu kỹ thông tin thì sẽ càng hạn chế được rủi ro, nhưng con người luôn có thể thay đổi bất cứ lúc nào, bạn không thể lường trước hết mọi việc và cũng không thể chắc chắn việc cho vay 100% là an toàn. Vậy nên nếu không may có ngày bạn phải đi đòi nợ thì chúc bạn luôn sáng suốt và may mắn!